XRP là tiền điện tử gốc của Ripple, một mạng chuyển tiền toàn cầu dựa trên công nghệ blockchain cho phép các ngân hàng, nhà cung cấp thanh toán, sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số và các tổ chức khác giải quyết các khoản thanh toán xuyên biên giới một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Các giải pháp chuyển khoản thanh toán truyền thống như SWIFT thường mất vài ngày làm việc để giải quyết các giao dịch chuyển tiền quốc tế và tính phí cao vì nó liên quan đến nhiều đối tác ngân hàng. Còn Ripple sử dụng Sổ cái XRP, một mạng blockchain nguồn mở, để hợp lý hóa cơ sở hạ tầng thanh toán toàn cầu và giải quyết tất cả các giao dịch XRP, cho phép các doanh nghiệp gửi và nhận thanh toán xuyên biên giới trong vòng 3 đến 5 giây. Giao dịch Ripple không chỉ nhanh hơn mà còn rẻ hơn nhiều so với SWIFT hoặc các mạng thanh toán phi tập trung như Bitcoin. Cụ thể thì phí giao dịch của Ripple chỉ có giá 0,0002 USD.
Các công ty và tổ chức tài chính có thể sử dụng Ripple để gửi thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực, lấy thanh khoản tiền điện tử từ thị trường tiền điện tử toàn cầu và tạo ra tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC) của riêng họ.
Mặc dù khả năng thanh toán là nền tảng hoạt động của Ripple trong những năm đầu thành lập nhưng giao thức này đã dần dần trở thành một hệ sinh thái mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây do sự bùng nổ của các ứng dụng phi tập trung. Hiện nay, bên cạnh việc cho phép thanh toán nhanh và rẻ, Ripple cung cấp một môi trường giúp DeFi và các ứng dụng NFT có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
XRP là mã thông báo gốc được sử dụng để hỗ trợ các giao dịch trên mạng Ripple.
Ripple hoạt động như thế nào
Mạng Ripple có ba thành phần cốt lõi:
- RippleNet: RippleNet là mạng lưới các tổ chức tài chính gồm các ngân hàng toàn cầu, giúp người dùng gửi và nhận thanh toán trên Ripple. Giống với HTTPS chuyên cung cấp một giao thức chung để gửi thông tin trên web, RippleNet cho phép truyền giá trị bằng cách sử dụng một bộ quy tắc thống nhất được gọi là Giao thức giao dịch Ripple (Ripple Transaction Protocol - RTXP).
- Ripple: Ripple là nền tảng cốt lõi được hỗ trợ bởi Sổ cái XRP (XRPL) và mang lại ba tính năng là hệ thống thanh toán tổng theo thời gian thực (RTGS), trao đổi tiền tệ và chuyển tiền.
- Gateways: Gateways là các ngân hàng đóng vai trò trung gian đáng tin cậy giữa hai bên giao dịch. Các Gateways này chịu trách nhiệm sử dụng mạng Ripple để chuyển tiền bằng tiền fiat và tiền điện tử.
Sổ cái XRP là gì
Các blockchain như Bitcoin hoặc Ethereum được phân cấp và dựa vào cơ chế đồng thuận không cần sự tin cậy, vì vậy người dùng không cần phải tin tưởng lẫn nhau để gửi giá trị. Ngược lại, Ripple dựa vào cơ chế đồng thuận dựa trên sự tin cậy bằng cách sử dụng giao thức đồng thuận Sổ cái XRP và các giao dịch sẽ được xác minh bởi những validator đáng tin cậy.
Sổ cái XRP bao gồm các máy chủ thu thập các giao dịch từ các ứng dụng của khách hàng ví dụ như các tổ chức tài chính, và xử lý chúng. Những người tham gia sử dụng mạng Ripple chọn một bộ máy chủ tham gia cơ chế đồng thuận từ Unique Node List (UNL) do Ripple duy trì. Những máy chủ này được tin cậy rằng sẽ hoạt động trung thực để xác thực các giao dịch, chỉ cần 80 phần trăm máy chủ trên UNL đồng ý về một tập hợp giao dịch thì các giao dịch đó sẽ được xác minh. Nếu không đạt được sự đồng thuận của đa số, các validator sẽ sửa đổi đề xuất của họ nhiều lần cho đến khi máy chủ UNL coi việc chuyển đổi là hợp lệ.
Máy chủ Sổ cái XRP được vận hành bởi các công ty và tổ chức tài chính khác nhau. Ripple, XRP Ledger Foundation và Coil (một nền tảng do Ripple tài trợ) công bố danh sách các validator được đề xuất dựa trên các số liệu như hiệu suất trong quá khứ, danh tính đã được xác minh và chính sách IT.
Giá và mã thông báo XRP
Ripple đã đúc được nguồn cung giới hạn 100 tỷ XRP khi ra mắt. Trong số 100 tỷ mã thông báo XRP này, 20% được trao cho người sáng lập Ripple Chris Larsen và Jed McCaleb, 77,8% mã thông báo XRP được phân bổ cho Ripple và 0,2% được airdrop tới người dùng.
Năm 2017, Ripple đã gửi 55 tỷ mã thông báo XRP từ nguồn cung được phân bổ của mình đến tài khoản ký quỹ. Công ty đã quyết định rằng sẽ phát hành tối đa 1 tỷ mã thông báo XRP mỗi tháng để hỗ trợ hoạt động của Ripple. Số tiền chưa được sử dụng sẽ được gửi trở lại tài khoản ký quỹ vào cuối mỗi tháng. Messari đề xuất rằng gần 300 triệu XRP từ tài khoản ký quỹ nên được đổ vào lưu thông mỗi tháng. Theo Ripple, có khoảng 45 tỷ mã thông báo XRP được giữ trong tài khoản ký quỹ tính đến tháng 5 năm 2022.
Tất cả các mã thông báo XRP đều đã được Ripple đào trước khi ra mắt. Vì vậy, bạn không thể đào thêm mã thông báo XRP mới. Để giảm bớt ảnh hưởng của lạm phát, Ripple đã triển khai cơ chế giảm phát cho XRP trong đó tất cả các khoản phí thu được trên mạng đều bị sẽ đốt.
Mã thông báo XRP sẽ được đưa vào lưu thông khi nó được bán trên thị trường mở. Ripple không thể bán hơn 0,25% khối lượng trao đổi tiền điện tử trung bình hàng ngày từ nguồn dự trữ của họ trong quá trình sale theo chương trình. Doanh số bán XRP cũng đến từ việc sale trực tiếp của các tổ chức hợp tác với Ripple.
Về những người sáng lập
Ryan Fugger đã thành lập một nền tảng phi tập trung để tạo ra và quản lý hạn mức tín dụng có tên RipplePay vào năm 2004, sau này trở thành Ripple. Năm 2011, Jed McCaleb cùng với đội ngũ các nhà phát triển bắt đầu nghiên cứu cơ chế đồng thuận mới cho các loại tiền kỹ thuật số, sau này được gọi là Sổ cái XRP. McCaleb còn có sự trợ giúp của Chris Larsen, David Schwartz và Arthur Britto.
Một năm sau, Jed McCaleb và Chris Larsen liên hệ với Ryan Fugger để mua lại RipplePay và Ryan quyết định giao dự án cho họ. Sau khi tích hợp với RipplePay, Larsen và McCaleb đã ra mắt Opencoin (nay là Ripple Labs) vào tháng 9 năm 2012.
Ripple Labs đã phát hành tiền điện tử XRP vào năm 2012 và huy động được hơn 7,5 triệu USD trong vòng cấp vốn Series A do Andreessen Horowitz dẫn đầu vào năm 2013 để tài trợ cho việc phát triển dự án Ripple. Kể từ đó, dù thực hiện các chính sách chống rửa tiền chặt chẽ hơn hay nhận được BitLicen từ Bang New York thì Ripple vẫn tập trung nhiều vào việc giành được sự tin tưởng của các tổ chức tài chính để tham gia mạng lưới xử lý thanh toán của họ.
Điểm nổi bật của Ripple
Ripple rất phổ biến trong các doanh nghiệp do các cơ hội kinh doanh mà nó mang lại. Sau khi chấp nhận XRP vào năm 2018, Wirex, một nền tảng thanh toán kỹ thuật số hỗ trợ các giao dịch bằng tiền điện tử, đã nhận được 12 triệu tiền gửi XRP.
Ngoài ra, Ripple đã đạt được uy tín và sự tin cậy trong ngành công nghiệp tiền điện tử vào năm 2019. Sàn giao dịch SIX của Thụy Sĩ đã ra mắt XRP ETP (sản phẩm giao dịch trên sàn giao dịch) vào tháng 4, giúp các nhà giao dịch tiếp cận XRP dễ dàng hơn. Nasdaq cũng đã thêm XRP vào các chỉ số tiền điện tử của mình, giúp nâng cao nhận thức và khả năng chấp nhận tiền điện tử hơn. Thêm vào đó còn có Boerse Stuttgart, sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai ở Đức, cũng đã tung ra các ghi chú giao dịch trao đổi XRP.
Vào cuối năm 2019, Ripple tuyên bố rằng họ đã huy động được 200 triệu USD từ Tetragon, SBI Holdings và Route 66 Ventures.
Ripple và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC)
Ripple phải đối mặt với những vấn đề về pháp lý từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). SEC dẫn chứng rằng XRP là một loại chứng khoán tuân theo luật chứng khoán liên bang, còn Ripple lập luận rằng XRP là một loại tiền tệ và do đó không phải tuân theo các quy định tương tự.
Một cột mốc pháp lý quan trọng đã đạt được trong ngành công nghiệp tiền điện tử khi Thẩm phán quận Hoa Kỳ Analisa Torres ra phán quyết rằng Ripple Labs Inc không vi phạm luật chứng khoán liên bang khi bán mã thông báo XRP của mình trên các sàn giao dịch công cộng. Phán quyết này đánh dấu chiến thắng đầu tiên của một công ty tiền điện tử trong vụ kiện chống lại SEC.
Kết quả này có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với thị trường tiền điện tử nói chung vì nó làm sáng tỏ bối cảnh pháp lý xung quanh tài sản kỹ thuật số và hoạt động bán mã thông báo.